Chính trị Iran

Hành pháp

Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Hồi giáo dựa trên Hiến pháp năm 1979 được gọi là "Qanun-e Asasi" ("Luật pháp cơ bản"). Hệ thống gồm nhiều kết nối phức tạp giữa các cơ quan chính phủ, đa số lãnh đạo đều do chỉ định. Chế độ ở Iran là chế độ phi dân chủ [58][59], thường xuyên đàn áp và bắt bớ những người chỉ trích chính phủ cũng như chỉ trích lãnh đạo tối cao, và hạn chế nghiêm ngặt sự tham gia của các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử phổ biến cũng như các hình thức hoạt động chính trị khác. Quyền phụ nữ ở Iran được mô tả là vô cùng tồi tệ.[60][61], và quyền trẻ em đã bị vi phạm nghiêm trọng, với nhiều tội phạm trẻ em bị xử tử ở Iran hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới [62][63]. Hoạt động tình dục giữa những người đồng giới là bất hợp pháp và bị trừng phạt đến chết [64][65]. Từ những năm 2000, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã gây lo ngại, đây là lý do dẫn đến các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này.

Lãnh tụ tối cao Iran chịu trách nhiệm phác họa và giám sát "các chính sách chung của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran". Lãnh tụ tối cao là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát tình báo quân đội và các hoạt động an ninh; và có độc quyền tuyên chiến. Các lãnh đạo tư pháp, mạng lưới phát thanh, truyền hình trong nước, chỉ huy cảnh sát và các lực lượng quân đội cùng sáu trong số mười hai thành viên Hội đồng bảo vệ Cách mạng được Lãnh tụ tối cao chỉ định. Hội đồng Chuyên gia bầu và bãi nhiệm Lãnh tụ tối cao dựa trên cơ sở đánh giá và sự quý trọng của nhân dân.[66] Hội đồng chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát Lãnh tụ tối cao thi hành các trách nhiệm theo pháp luật.

Hiến pháp quy định Tổng thống là người nắm quyền cao nhất quốc gia sau Lãnh tụ tối cao. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ bốn năm. Các ứng cử viên tổng thống phải được Hội đồng bảo vệ Cách mạng phê chuẩn trước khi được ra tranh cử. Tổng thống chịu trách nhiệm việc áp dụng Hiến pháp và thực hiện các quyền hành pháp, trừ những việc liên quan trực tiếp tới Lãnh tụ tối cao. Tổng thống chỉ định và giám sát Hội đồng bộ trưởng, phối hợp các quyết định của chính phủ, và lựa chọn các chính sách chính phủ để đưa ra trước nhánh lập pháp. Tám phó tổng thống và nội các gồm 21 bộ trưởng phục vụ dưới quyền Tổng thống, tất cả các viên chức này đều phải được nhánh lập pháp thông qua. Không giống như các quốc gia khác, nhánh hành pháp ở Iran không quản lý các lực lượng vũ trang. Dù Tổng thống chỉ định Bộ trưởng Tình báo và Quốc phòng, thông thường Tổng thống phải tham khảo ý kiến của Lãnh tụ tối cao trước khi đưa ra quyết định lựa chọn hai chức vụ đó để nhánh lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhánh lập pháp Iran chỉ có một việnMajles-e Shura-ye Eslami (Hội đồng cố vấn Hồi giáo), gồm 290 thành viên được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Majlis chịu trách nhiệm làm luật, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế, và thông qua ngân sách quốc gia. Mọi ứng cử viên và thành viên Majlis đều phải được phê chuẩn từ Hội đồng bảo vệ Cách mạng.

Lãnh tụ tối cao chỉ định người đứng đầu nhánh tư pháp, và người này lại chỉ định ra lãnh đạo các Tòa án tối cao và các trưởng công tố. Iran có nhiều kiểu tòa án, gồm cả các tòa công chúng để xử các vụ dân sự và tội phạm, các "tòa án cách mạng" xử một số loại hành vi, như tội chống lại an ninh quốc gia. Các quyết định của tòa án cách mạng là tối cao và không thể được tái thẩm. Tòa án Tăng lữ Đặc biệt xử lý các vụ tội phạm được cho là do các tăng lữ thực hiện, dù nó cũng xử cả các vụ liên quan tới người thế tục. Các chức năng của Tòa án Tăng lữ Đặc biệt độc lập với cơ cấu tòa án thông thường và chỉ tuân theo Lãnh tụ tối cao. Những phán xử của tòa này là tối cao và không được tái thẩm.

Các hội đồng

Hội đồng bảo vệ Cách mạng gồm 12 nhà làm luật (religious jurists), sáu người trong số đó do chỉ định của Lãnh tụ tối cao. Bộ trưởng tư pháp(cũng do Lãnh tụ tối cao chỉ định) sẽ giới thiệu nốt sáu thành viên kia, và họ sẽ được Nghị viện chính thức chỉ định. Hội đồng này có trách nhiệm giải thích hiến pháp và có thể phủ quyết Nghị viện. Nếu luật pháp không phù hợp với hiến pháp hay Sharia (luật Hồi giáo), nó sẽ được trao lại cho Nghị viện sửa đổi. Trong một lần thi hành quyền lực của mình, Hội đồng đã gây tranh cãi khi căn cứ trên một cách hiểu hẹp của hiến pháp Iran, phủ quyết các ứng cử viên nghị viện.

Hội đồng chuyên gia họp một tuần mỗi năm, gồm 86 tăng lữ "đạo đức và thông thái" được bầu bởi những cá nhân trưởng thành có quyền bầu cử với nhiệm kỳ tám năm. Tương tự như các cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện, Hội đồng bảo vệ Cách mạng là cơ quan quyết định tư cách của ứng cử viên vào Hội đồng này. Hội đồng chuyên gia bầu ra Lãnh tụ tối cao và có quyền theo hiến pháp cách chức Lãnh tụ tối cao ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, Hội đồng này chưa từng phản đối bất kỳ một quyết định nào của Lãnh tụ tối cao.

Hội đồng lợi ích có quyền giải quyết các tranh chấp giữa Nghị viện và Hội đồng bảo vệ Cách mạng, và cũng là một cơ quan tư vấn của Lãnh tụ tối cao, biến nó trở thành một trong những cơ quan nắm nhiều quyền lực chính phủ nhất trong nước.

Các hội đồng địa phương được bầu theo kiểu phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm tại mọi thành phố và làng mạc ở Iran. Theo điều 7, Hiến pháp Iran, các hội đồng địa phương đó cùng với Nghị viện là những "tổ chức đưa ra quyết định và hành chính của quốc gia". Đoạn này của hiến pháp không được áp dụng cho tới tận năm 1999 khi các cuộc bầu cử hội đồng địa phương đầu tiên được tổ chức trên khắp đất nước. Các hội đồng có nhiều trách nhiệm, gồm bầu cử thị trưởng, giám sát các hoạt động tại khu vực; nghiên cứu xã hội, văn hoá, giáo dục, sức khoẻ, kinh tế và những yêu cầu chăm sóc xã hội bên trong khu vực của mình; đặt kế hoạch và phối hợp hành động với quốc gia trong việc thi hành các chương trình xã hội, kinh tế, xây dựng, văn hoá, giáo dục và các chương trình an sinh khác.